Câu chuyện “Bị phạt 17 triệu, “ma men” gọi điện nhờ giải cứu bất thành” đã thu hút nhiều bàn luận của bạn đọc với số đông đồng tình với việc phải xử nghiêm những người lái xe có nồng độ cồn cao.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Vụ “Bị phạt 17 triệu, “ma men” gọi điện nhờ giải cứu bất thành” là một trường hợp biểu hiện đầy đủ các thói quen xấu của người vi phạm luật giao thông.
Ở đây, ông H. khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không chịu thổi vào máy đo, bị yêu cầu lập biên bản thì rút điện thoại ra để nhờ “giải cứu”, đến lúc người thân không can thiệp được thì khóa cửa ôtô lại và bỏ đi.
Lâu nay, thói quen xấu trong văn hóa giao thông ở Việt Nam trước hết là thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sau đó là thái độ bất hợp tác với người thi hành công vụ, không sẵn sàng với việc bị áp dụng các biện pháp xử phạt. Thái độ bất hợp tác biểu hiện từ việc né tránh, không xuất trình giấy tờ, câu giờ..., thậm chí đánh lừa hoặc đánh luôn cả cảnh sát giao thông hay cho xe lao vào người đang thi hành công vụ.
Thái độ không sẵn sàng với việc áp dụng các biện pháp xử phạt thường có những biểu hiện như: năn nỉ với hàng mớ lý do “tại, bị” (tại cái này hay bị cái kia mà vi phạm); sẵn sàng đưa hối lộ hoặc cho cảnh sát giao thông biết mình có những mối quan hệ với người nào đó... Có thể nói thái độ này đã làm rối loạn việc thi hành và áp dụng pháp luật.
Trong vụ việc “Bị phạt 17 triệu...”, người dân rất hoan nghênh tinh thần làm việc của các cảnh sát giao thông Đà Nẵng và lời phát biểu của thiếu tá Hiền: “Quan điểm của chúng tôi là xử lý triệt để, không có trường hợp ngoại lệ”. Việc thẳng tay áp dụng pháp luật trong những trường hợp tương tự bao giờ cũng đem lại những tác dụng tích cực nhất định, mà trước hết là giữ được uy phong của người thi hành công vụ.
Cái uy đó không thể đánh đổi với vật chất hay bất kỳ một sự cả nể nào. Đây chính là gốc rễ của vấn đề, văn hóa giao thông Việt Nam có được cải thiện hay không cũng từ đó mà ra.
Bởi lẽ pháp luật dù có đầy đủ, chế tài dù có nặng bao nhiêu nhưng người thi hành công vụ bị mua chuộc thì luật pháp vẫn bị vô hiệu hóa, công dân vẫn coi thường và bệnh thiếu ý thức chấp hành pháp luật ấy thật sự không có
thuốc thang nào chữa được.
Nếu như những ngày đầu, khi nghị định 46/2016/NĐ-CP mới phát sinh hiệu lực, bị dư luận lên án dữ dội vì cho rằng mức phạt quá cao thì đến nay dường như đã có những tác động tích cực đối với việc chấn chỉnh những thói quen xấu của nhiều người tham gia giao thông.
Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi và giúp nhau cùng thay đổi. Dù ở cương vị nào - là người vi phạm hay người xử lý vi phạm - thì cũng cần có lòng tự trọng.
Người xử lý vi phạm hãy làm đúng nhiệm vụ của mình một cách công tâm và ngay thẳng. Còn người tham gia giao thông hãy đặt cho mình nhiều câu hỏi: Tại sao sợ tốn tiền phạt mà lại cố tình vi phạm pháp luật? Tại sao biết nghị định mới phạt nặng mà mình vẫn coi thường?
Tại sao dám làm mà không dám chịu? Tại sao mình đủ năng lực chịu trách nhiệm mà vẫn phải nhờ đến người “giải cứu”?... để rồi hãy chọn cách tuân thủ pháp luật giao thông.
Hãy từ bỏ những thói quen xấu (hay đúng hơn là những tật xấu) để cùng xây dựng một nền văn hóa giao thông Việt Nam không bị hổ danh trên con đường hội nhập.
Nguồn : tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét